Giá trị khác biệt của tượng quan hầu – Báo Quảng Ninh

bởi huynguyen
0 comment
4.3/5 - (6 bình chọn)

Qua bài viết này chúng ta xin chia sẻ với các bạn thông tin và kiến thức về tượng quan hầu ở đâu hay nhất và đầy đủ nhất

Theo các tài liệu nghiên cứu, trong khu lăng mộ của các vị vua, chúa thường có những con vật tượng trưng gần gũi với đời sống con người như: Rùa, trâu, chó, ngựa đá… Ngoài ra, còn có cả những pho tượng quan hầu mang hàm ý tâm linh, tĩnh lặng tạo bình yên cho linh hồn người đã khuất nhưng cũng là để trang trí cho lăng mộ thêm uy nghiêm, trang trọng… Tại khu lăng vua Trần Hiến Tông ở khu Ao Bèo, thuộc thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh (Đông Triều) có rất nhiều các tác phẩm điêu khắc đá cổ được các nhà nghiên cứu đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật đẹp trong nền nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam; đặc biệt là 2 pho tượng quan hầu bằng đá xanh. Vua Trần Hiến Tông mất năm 1341. Mặc dù có tới 13 năm trị vì đất nước nhưng khi băng hà, vị vua này mới được 23 tuổi. Nhiều học giả đã đưa ra giả thiết, có lẽ vua Trần Hiến Tông mất lúc còn trẻ nên trong sự thương tiếc của triều đình đã chôn theo tượng quan hầu và các linh vật ngựa đá, rùa đá, trâu đá, voi đá. Đây là lăng mộ vua Trần duy nhất có các tượng “người đá, ngựa đá, rùa đá, trâu đá, voi đá” như các tác giả sách Đại Nam nhất thống chí ở cuối thế kỷ XIX đã ghi. (Tại khu vực đền Sinh thờ 8 vua Trần cũng có pho tượng quan hầu bằng đá bị mất đầu, song có kích thước cao và to hơn). Sau nhiều biến thiên lịch sử, khu lăng đã bị huỷ hoại, song quanh đó vẫn còn hai tượng quan hầu, chó đá, hai rùa đá, trâu đá và bia đá được nhân dân địa phương lưu giữ.

Du khách chiêm ngưỡng tượng quan hầu được phục dựng lại. Du khách chiêm ngưỡng tượng quan hầu được phục dựng lại.

Trong số 2 pho tượng quan hầu được tạo tác bằng chất liệu đá xanh trong thế đứng, hai tay chắp trước ngực đều bị mất đầu, 1 pho thân gãy làm đôi được gắn lại có kích thước cao 1,12m; rộng thân 0,4m; dày thân 0,09m. Sau khi Ban quản lý di tích trọng điểm tỉnh phục dựng lại 2 tượng quan hầu, pho tượng chắp lên rất khớp, khi lắp thân tượng có thể nhận ra một tượng quan hầu khá nguyên, đứng trên đế chữ nhật, tượng và bệ liền một khối đá dựng thẳng đứng. Tất cả khuôn lại trong một trụ gọn gàng như kiểu tượng mồ tây nguyên, không có những chi tiết nhô ngang dễ gãy. Trong không gian lăng mộ uy nghiêm và linh thiêng, giữa vườn cây vải thiều xanh mướt bên sườn núi, pho tượng quan hầu trang nghiêm và tĩnh lặng đến tuyệt đối. Anh bạn đi cùng chúng tôi vốn là thầy giáo dạy văn, song rất say mê về nghệ thuật điêu khắc. Sau khi nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc trước và sau khi pho tượng đá được phục dựng lại đã mô tả: Tượng được diễn tả một viên quan hầu cận đứng nghiêm, hai tay ép sát sườn rồi đưa ngang về trước bụng để nâng một vật như chiếc hộp trước ngực, nhưng bàn tay bị che khuất. Đầu tượng đội mũ bó sát thành băng ngang phía trên trán. Thân mặc áo dài quét đất, gấu áo hơi loe ra, phía trước để lộ hai bàn chân đi giầy, ống tay áo rộng thành khối vuông trước bụng, áo không có trang trí mà chỉ có nếp chảy xuôi, bốn cạnh thân nổi rõ… Anh cũng giảng giải cụ thể: Toàn thân tượng cũng như các thành phần chính được quy về các khối hình học có góc cạnh rõ ràng, điều đó làm tăng tính khúc triết, khoẻ khoắn, dứt khoát. Đầu pho tượng hơi dài, mặt thon thả, mắt, mũi và miệng đều rất thực và ở trạng thái đăm chiêu, bình thản. Đây chính là những giá trị khác biệt của nghệ thật điêu khắc trên đá mà cha ông để lại cho hôm nay… Hiện Ban quản lý di tích trọng điểm tỉnh đã phục dựng lại 2 tượng quan hầu, các linh vật cùng bia đá và đặt trên bệ trong vườn trưng bày bên cạnh lăng vua Trần Hiến Tông. Để ngày ngày, du khách đến lăng mộ tưởng nhớ vua và chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên đá tuyệt đẹp trong nền nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.

Nguyễn Xuân

You may also like