Tượng Phật ngồi từng cao nhất Đông Nam Á thu hút ngàn người

bởi huynguyen
0 comment
4.8/5 - (9 bình chọn)

Trong bài viết này chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu thông tin và kiến thức về tượng phật ở bình định hay nhất được tổng hợp bởi chúng tôi

Chùa Ông Núi còn có tên gọi khác là Linh Phong thiền tự, tọa lạc trên đỉnh Chóp Vung, huyện Phù Cát (Bình Định), cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km.

Nếu muốn đến cổng chùa Ông Núi cũng như bức tượng Phật ngồi khổng lồ phải đi bộ khoảng 600 bậc thang được xây đúc bằng đá, xi măng trải dài từ chân núi Bà lên tới đỉnh núi.

Theo sư thầy Nhuận Tri Tiên Sinh, cuối tháng 8/2009, chùa Ông Núi được UBND tỉnh Bình Định và Giáo hội Phật giáo tỉnh triển khai xây dựng Dự án quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Linh Phong. Đây là một dự án xã hội hóa 100% với tổng kinh phí đầu tư 500 tỷ đồng với diện tích hơn 63 ha.

Công trình gồm 6 hạng mục chính: Quảng trường Pháp Luân; Đường Hành lễ; Tượng đài Đức Thế Tôn Thích Ca Mầu Ni Phật; Vườn tượng phật; Chùa Linh Phong – Hang Tổ và Khu di tích lịch sử huyện ủy An Nhơn. Phải mất đến gần 9 năm công trình mới hoàn thiện.

Công trình được chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu của dự án gồm 4 công trình lớn được tập trung thi công, hoàn thành năm 2016. Gồm có công trình trọng điểm là tượng Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tháng 11/2017 công trình tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi lớn nhất Đông Nam Á thời điểm bấy giờ được khánh thành.

Tượng tọa lạc ở độ cao 129m so với mực nước biển, nếu tính cả bệ tượng và đài sen dưới chân tượng thì chiều cao của công trình là 108m. Điểm đặc biệt ở đây, toàn bộ quá trình xây dựng đều được đúc bê tông cốt thép ngay tại chỗ.

Phần vỏ tượng do ông Nguyễn Duy Khắc, một nhà thiết kế thi công các tượng Phật nổi danh tại Bình Phước và đội thi công Công ty TNHH Điêu khắc và cảnh quan môi trường xanh nhận thi công và chế tác.

Công trình thi công xây dựng được đầu tư công nghệ tiên tiến gồm 05 máy CNC (một dạng máy được điều khiển tự động hóa dưới sự hỗ trợ của máy tính) và 03 máy phun G.R.C (Hỗn hợp xi măng, cát, nước và phụ gia được trộn sẵn rồi phun vào khuôn với sợi thủy tinh).

Các chi tiết nhỏ như nếp gấp quần áo cũng đều được trau chuốt mang đến cảm giác sống động, nhẹ nhàng. Bức tượng Phật màu trắng hiện lên vô cùng nổi bật giữa không gian rộng lớn.

Hình ảnh pho tượng tựa lưng vào núi Bà, ánh mắt trông ra biển Đông, mang ý nghĩa đức Phật luôn che chở bảo vệ đất đai, hòa bình cho người dân.

Ngồi dưới chân tượng Phật, ngắm nét phật nghiêm trang in trên nền trời xanh biếc, đếm không biết bao nhiêu đám mây trắng bay qua, thấy lòng vừa bình yên vừa thành kính. Từ đây nhìn về hướng Đông, biển trời một màu ngút ngàn, nhà dân trùng điệp, là cảnh đẹp tuyệt trần giữa vạn cảnh nhân gian.

Phía sau lưng của tượng Phật là cầu thang dẫn du khách lên đến chân của đài sen. Đây là điểm cao nhất mà bạn có thể phóng tầm mắt ra để ngắm cảnh toàn vịnh Thị Nại.

Với quy mô vô cùng lớn và hoành tráng nơi đây đang dần trở thành một địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Khuôn viên chùa Ông Núi luôn mát rượi nhờ những tán cây cổ thụ như phượng, mít, bàng,… và có rất nhiều liễu, hoa được trồng chung quanh hồ nước rộng, trong vắt.

Những điện thờ được thiết kế khang trang với mái ngói đỏ au nhấp nhô dưới tán cây cổ thụ, những hàng cột thẳng tắp bên hiên chùa và lối đi.

Chính điện có mái ngói đỏ cong cong, điểm xuyết thêm các hình thù rồng bay trên đỉnh. Các cột chống đỡ cũng được sơn đỏ, điêu khắc thêm các hình thù công phu. Trước cửa điện thờ chính có lư hương lớn để người dân thắp hương. Trong điện có một tượng Phật lớn cao 2.5m.

Từ phía trước Chánh điện chùa, đi về hướng tây có một cây cầu nhỏ dẫn lên các mộ Tháp và lên hang Tổ nằm trên núi phía sau chùa.

Điểm đặc biệt, trong hang Tổ còn có một lối đi nhỏ vừa cho 1 người len lỏi xuống sâu, nơi đó có dòng nước chảy róc rách ngày đêm trong vắt, mát lành và ngọt lịm được nhiều du khách đến đây xem như nước thánh và dùng để rửa mặt.

Sư phụ trụ trì chùa Ông Núi – Đại Đức Thích Quảng Nghiêm cho biết, thuở xưa chùa có tên là Dũng Tuyền Thạch cốc tự, đến nay có tên đầy đủ là Dũng Tuyền Linh Phong Thiền Viện đã qua 12 đời thừa kế và trở thành di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Sách Đại Nam nhất thống chí, ghi: “Chùa Linh Phong ở thôn Phương Phi, huyện Phù Cát, lưng dựa vào núi cao, mặt trông ra đầm biển Biển Cạn, xung quanh có nước suối lượn quanh, phong cảnh cũng đẹp.

Tương truyền xưa có chùa Dũng Tuyền, năm Nhâm Ngọ, Hiển Tông thứ 12 (tức năm Lê Chính Hòa thứ 23 – 1702) do thầy chùa là Lê Ban (tục gọi là ông Núi) dựng; năm Quý Sửu Túc Tông thứ 9 (tức năm Lê Long Đức thứ 2 – 1773) sắc phong là Tĩnh Giác Thiện Trì Đại Lão Ông thiền sư, lại ban cho biển ngạch và câu đối, nay vẫn còn.

Năm Minh Mệnh thứ 10 cho lấy bạc kho để trùng tu”. Như vậy, chùa Ông Núi là tên gọi của dân gian, bởi người dân nơi đây gọi Tĩnh Giác Thiện Trì Đại Lão Ông thiền sư là ông Núi (nay thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định).

Theo ghi chép lại của Trưởng lão Hoà thượng Thích Đỗng Quán về tiểu sử của Tổ sư, năm 1686 sư phụ Tổ Giám Huyền (huý Như Diệu) cùng đệ tử là Ngài Tánh Ban (thường gọi là Lê Ban) theo thương thuyền di chuyển từ Bắc vào Nam. Khi đến bờ biển Phương Phi (xã Cát Tiến bây giờ) thì có sóng to gió lớn đã neo vào bờ lánh nạn và chọn hang Dũng Tuyền Thạch Cốc (hang đá có nước xối mạnh) trên ngọn núi đá Phương Phi làm nơi dừng chân tu tập.

Đến năm 1696, sau 10 năm ẩn tu ở Dũng Tuyền Thạch Cốc, sư phụ Tổ Giám Huyền vâng sắc chỉ triều đình về tái thiết và xây dựng một ngôi chùa mới. Ngài Tánh Ban một mình ở lại ẩn tu thiền định.

Tương truyền, sư Tánh Ban là bậc tiên phong đạo cốt, quanh năm chỉ ở trên núi tu luyện, mặc đồ bằng vỏ cây dù mùa đông hay mùa hạ, ung dung tự tại sống bên sườn núi, trong hang đá, chuyên hái thuốc trị bệnh cứu người. Mỗi khi trong vùng có dịch bệnh bùng phát, ông lại đem thuốc xuống để cứu chữa cho người dân mà không lấy phí. Cũng chính vì điều này người dân nơi đây càng kính trọng ông hơn, tôn kính gọi là Mộc Y Sơn Ông (tức Ông Núi mặc áo vỏ cây).

Năm 1733, Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho Ông Núi pháp hiệu Tĩnh giác Thiện trì Đại lão Thiền sư, cho xây lại chùa Dũng Tuyền bằng ngói, đổi tên là Linh Phong thiền tự.

Năm 1741, đến đời chúa Hiếu Võ, hoàng đế thứ 2 thuộc niên hiệu Cảnh Hưng vì kính phục đức độ đạo hạnh học lực uyên bác của ông nên ân tứ một bộ cà sa pháp phục bằng gấm ngọc nạm vàng.

Giờ Tỵ ngày 19 tháng 6 năm Bính Dần (1747) ngài Tánh Ban đã thị tịch tại “hang Ông Núi” thọ 81 tuổi.

Cũng theo truyền thuyết của địa phương, ông Núi viên tịch nhưng vẫn hiển linh. Người dân quanh vùng vẫn thờ phụng và khấn cầu ông khi gia đình hữu sự.

Ở thôn Phương Phi ngày nay có chợ Cách Thử, dân gian cho rằng sở dĩ có tên ấy là do thuở xưa trong vùng có kẻ cõi âm lẫn lộn trong dân chúng đi chợ mua vật dụng. Người trần không thấu, đổi hàng lấy tiền, nhưng tiền thu được hóa ra đều là vàng mã. Ông Núi biết được đã bày cho dân chúng cách thử tiền để tránh được nạn này: “Lấy một chậu nước bỏ tiền vào, đồng chìm là tiền thật, đồng nổi là tiền giấy”.

Nhờ cách thử của ông, bà con trong vùng không còn nhận những đồng tiền cõi âm nữa. Tên chợ Cách Thử có từ thời ấy. Chợ này còn có tên chợ Kẻ Thử (Kẻ nghĩa là người). Trong dân gian cũng có câu ca:

“Ai về Bình Định – Phương Phi…

Nhớ ơn Ông Núi quên đi sao đành?

Dạy dân Cách Thử đành rành

Cứu dân tật bệnh chiến tranh thiên thời

Gương Người khổ hạnh còn tươi

Đạo cao đức trọng sáng ngời núi sông!”.

Năm 1826, vua Minh Mạng trùng tu lại ngôi chùa và ban cho nơi đây một tấm áo cà sa mới may để thờ phụng ông Núi, cấp 120 lượng bạc để trùng tu lại ngôi chùa. Tuy nhiên quang cảnh chùa đẹp đẽ nhất là vào lúc Đào Tấn trùng tu vào năm 1897.

Khoảng năm 1967, chùa Ông Núi bị bom đạn chiến tranh xóa sạch. Đến năm 1990, chùa mới bắt đầu được xây cất lại. Mái cổ lầu, lợp ngói ống, trên nóc gắn hình lưỡng long tranh châu, nạm sứ. Đôi cột trước điện hình song long cuộn. Tượng Phật cao 2,5m, đại hồng chung nặng 1,2 tấn, đều mới đúc tại chỗ bởi các nghệ nhân từ Huế và công việc tái thiết chùa diễn ra liên tục đến năm 2004 mới hoàn thành như ngày nay.

Tọa lạc ở vị trí đắc địa cùng với những câu chuyện lịch sử đầy tính tâm linh, nên lễ hội Ông Núi (được tổ chức thường niên từ ngày 24 đến 25 tháng Giêng âm lịch) luôn là một trong những lễ hội thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch từ khắp nơi.

You may also like