Tượng phật a di đà ở việt nam – Chùa Xá Lợi

bởi huynguyen
0 comment
4.4/5 - (7 bình chọn)

Trong bài viết này chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu thông tin và kiến thức về tượng phật a di đà chùa phật tích hay nhất được tổng hợp bởi chúng tôi

ĐẶC ĐIỂM PHONG CÁCH MỸ THUẬT

TƯỢNG PHẬT A DI ĐÀ Ở VIỆT NAM

DƯƠNG MINH THỌ

Phong cách thể hiện tượng Phật A Di Đà ở Việt Nam mang giá trị nghệ thuật văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng.

Đối với tượng Phật A Di Đà ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), trong công trình Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Chu Quang Trứ nhận xét pho tượng đã chạm khắc trang trí đạt đến trình độ cao, đặc điểm phong cách riêng của mỹ thuật thời Lý – Trần, mang tiêu chuẩn vẻ đẹp con người Việt Nam, pho tượng không giống như tượng Phật phương phi mụ mẫm của Trung Quốc đời nhà Đường, “tư thế chung tạo bố cục cho tượng giống như tượng Phật Trung Quốc thời Đường, nhưng không phương phi mụ mẫm. Đôi lông mày cong giao nhau và chiếc mũi dọc dừa thánh thiện lại chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp. Cách ngồi Thiền theo kiểu yoga Ấn Độ. Mắt phượng lim dim, miệng cười tủm tỉm, cổ cao ba ngấn, ngón tay búp măng, bụng thon lại theo những chuẩn đẹp Việt Nam” [Chu Quang Trứ 2001: 80]. Chu Quang Trứ cũng cho rằng pho tượng chịu sự ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp và kiểu ngồi Thiền giống tư thế yoga của Ấn Độ. Tuy nhiên, tất cả các nhà nghiên cứu đánh giá là tượng Phật ở chùa Phật Tích là mẫu tượng tiêu biểu tượng Phật cổ Việt Nam.

Tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Ảnh: Minh Thọ (2014)

Tượng A Di Đà chùa Phật Tích đạt đỉnh cao phong cách mỹ thuật thời Lý – Trần. Thân hình pho tượng toát lên vẻ đẹp hoàn toàn nữ tính. Khuôn mặt thanh khiết, thật đẹp, thật đôn hậu, với vầng trán đều đặn, đôi lông mày mảnh và cong, đôi mắt mơ màng hơi cúi nhìn… Trong công trình Mỹ thuật Lý – Trần, mỹ thuật Phật giáo nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ miêu tả tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích như sau: “A Di Đà toát ra vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ Việt Nam trong con mắt lim dim dài sắc, mũi dọc dừa thanh tú, miệng mỉm cười kín đáo, cổ cao ba ngấn, tay mịn màng thon lẳn…” [Chu Quang Trứ 2011: 40]. Pho tượng có vai rộng, thân dỏng, toát lên vẻ đẹp tỏa ra từ đôi vai đều đặn, đôi tay mềm mại, chiếc áo cà sa bồng bềnh… được tạc trau chuốt tinh vi, những nếp áo phủ kín toàn thân rất tự nhiên [Chu Quang Trứ 2011: 63]. Thân Phật mặc áo, bụng quấn thường, bên ngoài khoác một lớp áo nữa; áo xếp thành nhiều nếp nhẹ nhàng buông xõa. Thế ngồi hơi rướn mình ra phía trước, hai tay đặt ngửa trong lòng kết ấn Thiền định Dhyana-mudra, với tay trái đặt trên tay phải, chân ngồi xếp bằng tròn kiểu kiết già. Pho tượng chùa Phật tích rất được người dân yêu mến, tín ngưỡng.

So với tượng Phật chùa Phật Tích thì tượng Phật thời nhà Đường bên Trung Hoa có nét vạm vỡ, bề thế trong khi tượng Phật thời Lý dáng thanh thoát, thon gọn. Tượng A Di Đà của nhà Đường chuộng nhiều chi tiết cầu kỳ rắc rối trong khi tượng A Di Đà chùa Phật Tích giản dị, trong sáng, sống động hơn. Nghệ thuật thời Lý không rơi vào thế giới huyền bí, nhục cảm không cưỡng nổi, xây dựng trên kho thần thoại man mác của Ấn Độ, không có vẻ thần bí mà có tính chất hiện thực, trần thế.

Còn về bệ tượng Phật chùa Phật Tích được chạm khắc tỉ mỉ, công phu. Một bệ tượng tòa sen chạm hình rồng và sóng nước (bệ cao 0,85 m). Những đôi rồng “lưỡng hợp” trên mỗi cánh sen có hình tam giác lượn góc, với hai lớp cánh, một úp, một ngửa. Cánh sen có hai lớp, xen kẽ nhau, thể hiện thành những khối nổi, linh động, uyển chuyển… Đối với bệ, đài sen theo nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ trong công trình Mỹ thuật Lý – Trần, mỹ thuật Phật giáo được miêu tả như sau: “Tòa sen có khối cầu dẹt chạm một hoặc hai con sư tử đang phủ phục… cả bề mặt được chạm rất tinh tế các họa tiết sóng nước… tất cả đều trau chuốt như chạm bạc” [Chu Quang Trứ 2011: 274-276], hòa quyện vào nhau trong không gian tâm linh huyền bí, tạo nên phong cách pho tượng thật sống động, nhẹ nhàng, bay bổng cùng tòa sen với sóng nước và những con rồng… kết hợp thành một tác phẩm nghệ thuật mang vẻ đẹp toàn bích. Nhìn tổng thể cả pho tượng Phật A Di Đà, nghệ thuật điêu khắc bệ và đài sen được chạm trổ bởi các họa tiết công phu làm tăng giá trị vẻ đẹp thẩm mỹ của bức tượng Phật A Di Đà.

Hình tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích toát ra trong sự thống nhất về các biểu tượng chuyển động của các giống nòi tổ tiên (rồng), đất nước (nước) và mạch sống tâm linh của Phật giáo đang ngầm chảy trong cơ thể nhân tính (nữ tính) của tượng Phật A Di Đà.

Trong khi đó, phong cách mỹ thuật pho tượng Phật A Di tại chùa Ngô Xá (Nam Định) mang một vẻ đẹp khác. Trên đỉnh đầu pho tượng có tóc xoắn ốc, giữa đỉnh đầu có một khối u nổi (nhục khấu), mình tượng thon thả, bụng mảnh dẹt, mặc pháp y với hai lớp áo mỏng bó sát người, xếp thành nhiều nếp. Tượng Phật ngồi đôi bàn tay kết ấn Thiền định Dhyana-mudra, lưng bàn tay phải để trên lòng bàn tay trái, hai ngón cái chạm nhau. Hai bàn tay để trên chân, ngang bụng. Hai chân xếp bằng, đầu gối khuỳnh rộng, thế ngồi hơi hướng về phía trước.

Tượng Phật A Di Đà tại chùa Ngô Xá, Nam Định. Nguồn: Chu Minh Khôi (2013)

Thân tượng liền khối với cổ bệ. Cổ bệ tượng hình tròn dẹt, hai mặt trên dưới phẳng, xung quanh chạm nổi hai con sư tử trong tư thế nhìn nghiêng, miệng cùng ngậm chung một viên ngọc, đuôi chụm nâng hình lá đề. Bệ tượng có phần trên là đài sen dùng để đặt tượng. Đài sen hình tròn dẹt, mặt ngoài tạo hai lớp cánh sen nổi ôm sát nhau. Lớp cánh trên to mập, cứ một cánh to xen một cánh nhỏ. Lớp dưới cánh dài nhỏ, bố trí so le với lớp trên. Trên mặt các cánh sen chạm nổi hình một đôi rồng chầu, thân hình mềm mại, đầu hướng lên trên, với các chi tiết hoa văn dày đặc được chạm đục tinh tế.

Dưới đài sen là chân bệ hình bát giác, hình chóp cụt, gồm hai bộ phận ghép với nhau. Nửa trên phần sát với cổ bệ chạm nổi một bông sen hai lớp cánh lật úp, tiếp đến là các tầng bát giác giật tam cấp, cứ một mặt to sen một mặt nhỏ, mặt đứng chạm đôi rồng đuổi, mặt nằm chạm hoa cúc dây hình sin; nửa dưới có đế bằng, thân tạo hai tầng, chạm nổi hoa văn sóng nước.

Tiếu tượng và hoa văn trang trí trên bệ tượng phản ánh nghệ thuật bản địa và chứng minh sự mở đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật độc lập tự chủ Đại Việt nói chung. Với đường nét tinh xảo và mềm mại, tỉ mỉ và sống động bức tượng này là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của thời Lý.

Theo nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ, tượng Phật bằng đá tại chùa Ngô Xá và tượng Phật chùa Phật Tích có phong cách nghệ thuật nhiều điểm tương đồng giống nhau, như là mặt hơi cúi nhìn xuống, lông mày không giao nhau, sống mũi hơi lõm ở chỗ giữa hai khóe mắt, nhân trung lớn và có hai vòng tròn ở hai bên, cổ cao ba ngấn, thân hình dong dỏng thon thả, bụng mảnh dẹt, áo cà sa khoác ngoài của tượng Phật chùa Ngô Xá nhìn cũng rất giống áo cà sa của tượng Phật chùa Phật Tích, phần cổ bệ chạm hình sư tử, lớp cánh sen lật úp phía dưới…

Ngoài ra, còn có tượng Phật A Di Đà ngồi bằng đá ở thời nhà Lý có phong cách thẩm mỹ nghệ thuật tương tự giống như hai pho tượng đức Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích và chùa Ngô Xá, được tôn thờ tại chùa Thầy, tượng ngồi Thiền định, lưng dài, bụng dẹt, mình thon thả. Áo cà sa khoác ngoài có nhiều nếp gờ nổi lên, các nếp mềm mại tự nhiên… [Chu Quang Trứ 2011: 422].

Tượng Phật A Di Đà thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII mang phong cách mỹ thuật kỳ công, tạo nên nhiều yếu tố trang trí chi tiết để nhằm mô tả năng lượng mầu nhiệm của đức Phật A Di Đà ở giáo chủ ở cõi Cực lạc, như tượng Phật ở chùa Thầy (Hà Nội).

Về phong cách mỹ thuật tượng Phật A Di Đà trong bộ tượng Di Đà Tam tôn ngồi bằng gỗ mít có niên đại thế kỷ XVII tại các chùa như chùa Thầy, chùa Tây Phương… Hình tượng Phật A Di Đà ở chùa Thầy trong tư thế kiết già, đầu tượng có tóc kết xoắn ốc cao thiên về phía đỉnh. Đầu tượng dài 60 cm, chiếm hơn một phần ba chiều cao tượng, sọ nở, không có nhục khấu mà chỉ có bạch ngọc hào, khuôn mặt trái xoan, rất phù hợp với thân mình thon thả, thanh thoát, nếp áo chảy nuột để tạo nhịp dọc trang trí cho bức tượng điêu khắc. Tai đeo hoa, cổ đeo vòng dây anh lạc, ngực có chữ Vạn, trên ngực ở giữa có hình hoa mai và anh lạc, kiểu hạt tròn kết thành tràng chạy trên y phục, bao gồm các dạng hạt tròn kết chuỗi (nằm theo bố cục hàng lối và xen kẽ chia thân tượng thành từng ô), hạt tròn kết hình bông hoa (nằm xen kẽ trong chuỗi hạt bảo châu), các biểu tượng “bát cát tường” của Phật giáo Mật tông và hoa nhiều cánh. Hình tượng Phật A Di Đà trên ngực đeo tràng dây hoa anh lạc tại chùa Thầy giống với các tượng Phật A Di Đà tại các nước Trung Quốc.

Tượng Di Đà Tam tôn tại chùa Thầy, Hà Nội. Ảnh: Minh Thọ (2014)

Thân tượng Phật A Di Đà ở chùa Thầy có khoác áo cà sa chùng rộng, gấp nhiều nếp phủ quanh cổ và lượn tròn trước bụng. Lớp áo ngoài trùm qua bờ vai, phủ lên hai gối xuống mặt bệ sen. Tay phải của tượng để trước lòng đùi kê lên bàn chân, tay trái lồng lên tay phải. Ngón cái của hai tay đan xen nhau, đều đeo nhẫn có mặt hoa cúc mãn khai.

Tượng Phật A Di Đà thế kỷ XVIII khỏe, chắc cứng. Tượng chùa La Phù có đài sen trang trí rất đẹp, cân đối, khối của tượng rất nuột, dáng thanh thoát, tà áo buông xòe cứng cáp. Tượng ở chùa Cả không có đài sen, dáng tượng khỏe gọn, nếp áo nuột. Còn phong cách tượng Phật thời Tây Sơn thì thanh cao. Ví dụ như tượng chùa Tây Phương với các nếp áo buông xuôi như suối chảy rất động.

Phong cách mỹ thuật tượng Phật A Di Đà ở thế kỷ XIX càng đơn giản hơn. Tượng đức Phật A Di Đà trong tư thế ngồi tọa Thiền (không có hoa sen) ở chùa Hội Thọ (Tiền Giang) bằng chất liệu đất nung có khuôn mặt nhìn hơi nghiêng, áo cà sa có nếp gấp, đôi tai dài, mắt lim dim, mũi cao thanh tú, miệng mỉm cười, cổ thấp không có ba ngấn giống như tượng đức Phật A Di Đà ở chùa Phật Tích hay chùa Ngô Xá, trước ngực có chữ Vạn, tay đặt trên chân, tay phải ở trên tay trái… Trong khi đó, tượng Phật A Di Đà ở chùa Bửu Hưng (Đồng Tháp), chùa Long Hưng (Bình Dương) bằng chất liệu đồng có phong cách giống như tượng Phật A Di Đà ở chùa Hội Thọ. Tuy nhiên, tượng Phật A Di Đà ở chùa Bửu Hưng (Đồng Tháp), chùa Long Hưng (Bình Dương) ngồi tọa Thiền trên tòa sen hai lớp, mặt nhìn thẳng, cổ không cao không thấp. Phong cách mỹ thuật của các pho tượng Phật A Di Đà ở miền Nam có sự dung hòa giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các vùng miền với nhau. Nam bộ là vùng đất mới có sự cộng cư của người Việt, người Hoa, người Khmer nên phong cách mỹ thuật Phật giáo ở đây không những là sự dung hợp, kết tinh từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước mà còn mang dấu ấn của cộng đồng người mới nhập cư sinh sống.

Tóm lại, phong cách thể hiện tượng Phật A Di Đà ở Việt Nam có các đặc điểm sau:

Thứ nhất, tượng Phật nhìn cân đối, hài hòa theo tiêu chuẩn của người Việt Nam. Tượng không cao to bề thế như tượng Phật ở Trung Quốc.

Thứ hai, tượng Phật mang vẻ đẹp cân xứng, tự nhiên, chân thực, gần gũi với người dân Việt Nam.

Thứ ba, tượng Phật mang dáng dấp con người Việt Nam, gắn liền với không gian văn hoá Việt Nam rất hài hóa như là sông nước, sen…

Thứ tư, tượng mang vẻ đẹp nữ tính, dịu dàng, đôn hậu…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chu Quang Trứ (2001), Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.

2. Chu Quang Trứ (2011), Mỹ thuật Lý – Trần, mỹ thuật Phật giáo, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

You may also like