Hình tượng Bồ tát Quan Thế Âm trong tâm thức người Việt

bởi huynguyen
0 comment
4.5/5 - (8 bình chọn)

Qua bài viết này chúng ta xin chia sẻ với các bạn thông tin và kiến thức về hình tượng phật quan âm bồ tát hot nhất được tổng hợp bởi chúng tôi

Tác giả: Thích Nữ Quảng HiếuNi viện Diệu Nhân, Phú An, Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng

“Quan Âm Bồ Tát Diệu Nan ThùThanh tịnh trang nghiêm lũy kiếp tuThiên xứ hữu cầu thiên xứ ứngKhổ hải thường tác độ nhân chu”

Đường đời muôn ngả trùng điệp, vạn hải lý mênh mang, chẳng biết tự bao giờ hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm với gương mặt từ bi phúc hậu, tay cầm bình nước cam lồ thanh tịnh cùng nhành dương cứu khổ cứu nạn chúng sinh đã đi sâu vào tâm thức người dân Việt, chinh phục khối óc và con tim của người con Phật khắp mọi nơi. Hình ảnh mẹ hiền Quan Thế Âm là cả bầu trời tuổi thơ đầy nắng hiện hữu qua các câu chuyện cổ tích, những vở chèo kịch Quan Âm Thị Kính hay phim truyện Tây Du Ký…

I. Khái niệm Bồ Tát Quan Thế Âm

Danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm là tên gọi của từ Hán Việt, được dịch từ tiếng Phạn là Bodhisattva Avalokiteśvara. Bodhisattva là danh từ kép của hai từ Bodhi và Sattva. Bodhi là Bồ đề, tức là giác ngộ hay chứng ngộ. Sattva là hữu tình, tức là chúng sinh. Do vậy, Bodhisattva dịch đủ là “Bồ đề tát đỏa”, tức “giác hữu tình”. Nghĩa là trên cầu Phật đạo để tự giác, dưới hóa độ chúng sinh để giác tha, thường được hiểu là một chúng sinh đã giác ngộ, rồi đem sự giác ngộ ấy hướng dẫn những chúng sinh khác để họ được giác ngộ như mình. Avalokiteśvara thường được dịch là: Quán Âm, Quán Thế Âm, Quán Tự Tại…

Thuật ngữ “Bodhisatta cũng có thể được hiểu là “Một chúng sinh tha thiết đạt được giác ngộ”[1]. Bộ Bách Khoa Tôn Giáo định nghĩa rằng: “Một chúng sinh mà tâm của người ấy đã trở nên vững chắc ở sự giác ngộ, cũng được truyền thống công nhận”.[2] Như vậy, Quán Thế Âm Bồ tát là vị Bồ-tát luôn lắng nghe âm thanh của thế gian, lắng nghe tiếng kêu tha thiết từ tâm khảm của chúng sinh đang chịu nhiều khổ đau trong trần thế để hiện thân cứu độ họ thoát khỏi mọi khổ đau. Tình thương yêu của Ngài dành cho chúng sinh như cha mẹ thương yêu con đỏ. “Trọn đời lo che chở, con độc nhất mình sinh”[3]. Ngài Quan Thế Âm cũng là điểm tựa tâm hồn vững chắc cho chúng sinh trên vạn nẻo đời sóng to, gió cả.

Ngài Quan Thế Âm khi còn là Thái Tử Bất Huyển, con vua Vô Tránh Niệm, có lòng ái mộ Phật pháp, luôn thực hành hạnh nguyện cúng dường vua Bảo Tạng cùng chư Tăng. Trong lúc thiền định, thái tử thấy chúng sinh luôn mãi chìm đắm trong bể khổ luân hồi, Ngài liền đi đến trước đức Phật Bảo Tạng phát nguyện rằng: “Nay con sẽ dùng âm thanh lớn để báo cho hết thảy chúng sinh đều biết: Hết thảy những căn lành của con đều xin hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nguyện khi con tu hành đạo Bồ tát, nếu có chúng sinh nào đang chịu đựng các khổ não, sợ sệt lo lắng, sự hiểu biết chính pháp bị thối chuyển, phải rơi vào chỗ tối tăm u ám, sầu đau buồn khổ, cô độc không người cứu giúp, không có nhà cửa, không nơi nương tựa, nếu có thể nhớ nghĩ đến con, xưng tụng danh hiệu của con, sẽ được con dùng thiên nhĩ mà nghe biết, dùng thiên nhãn mà thấy biết, khiến cho những chúng sinh ấy được thoát khỏi mọi sự khổ não. Nếu không được như thế, con quyết sẽ chẳng bao giờ thành tựu quả A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề!…..Thái tử trước đức Phật Bảo Tạng phát nguyện cứu độ chúng sinh, nên Đức Phật liền thọ ký: “Thiện nam tử! Ông quán xét hết thảy chúng sinh trong hai cõi trời, người cùng với trong ba đường ác mà sinh tâm đại bi, muốn dứt trừ mọi khổ não cho chúng sinh, muốn dứt trừ mọi phiền não cho chúng sinh, muốn tất cả chúng sinh đều được trụ nơi an lạc. Thiện nam tử! Nay ta đặt tên cho ông là Quán Thế Âm”[4]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hinh tuong Bo tat Quan The Am trong tam thuc nguoi Viet 1

II. Hình ảnh Quan Âm trong tâm thức người Việt Nam

Phật giáo đi như một dòng sông chở nặng phù sa, thấm vào lòng đất, khi đi đến đâu cũng phản ảnh cây cỏ đôi bờ. Với hạnh nguyện từ bi cao đẹp hòa quyện cùng tinh hoa triết lý nhiệm mầu, Bồ Tát đã giúp nhân sinh từ bỏ những hận thù khổ đau, tìm về với suối nguồn giải thoát bất tận. Dân tộc Việt Nam tự ngàn xưa vốn ưa chuộng cái thiện, ghét cái ác, ưa làm lành, lánh dữ, mong muốn một cuộc sống thanh bình, ấm yên, hạnh phúc. Chúng ta có thể thấy được rằng hầu khắp mọi nẻo đường trên mọi miền tổ quốc nơi sóng to, gió lớn chốn hải đảo xa xôi, nơi bệnh viện mạng sống ngàn cân treo sợi tóc, đường đèo vạn hiểm nguy… nơi nào có sự hiểm nguy, đau thương tang tóc, nơi nào có chúng sinh thiết tha hướng niệm danh hiệu, nơi đó có bóng dáng của mẹ hiền Quan Thế Âm.

Giọt nước cam lồ là điểm tựa tinh thần vững chắc mang đến sự bình an cho nhân sinh, xoa dịu nỗi đau thương mất mát cho nhân loại những lúc khốn khó nhất. Khi được truyền đến Việt Nam, hình ảnh Bồ Tát Quan Thế Âm dần được bản địa hóa, phù hợp với nhu cầu tâm linh của người Việt. Hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm đi vào đời sống Việt với những hóa thân như Quan Thế Âm, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải, Phật Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Vũ, Pháp Điện… Với tất cả lòng thành kính, noi theo hạnh nguyện từ bi của Ngài, người dân thường học theo hạnh của ngài sống từ bi, lương thiện, nhu hòa, nhẫn nhục, luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu để cuộc sống luôn tốt đẹp hơn, dần hướng đến chân thiện mỹ. Hạnh nguyện cao cả của Bồ Tát đã thật sự đi vào lòng người như nước thấm vào lòng đất qua những áng thơ văn bất hủ, những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết dân gian… với nội dung tư tưởng tạo nên một triết lý tuyệt đẹp sống mãi với thời gian, trên tinh thần từ bi bác ái, nhẫn nhục, vị tha, luôn lắng nghe thấu hiểu và một trái tim đồng cảm cùng nhân sinh dẫu trải qua bao thăng trầm.

Ca Dao Việt Nam có câu:

“Cha già là Phật Thích CaMẹ già như thể Phật Bà Quan ÂmNhớ ngày xá tội vong nhânLên chùa lễ Phật, đền ơn sinh thành”

Với muôn ngàn thành kính, hình ảnh Quan Thế Âm được khắc họa vô cùng phong phú qua truyện Nôm “Quan Âm Nam Hải”. Truyện kể về ý chí kiên định của chúa Ba, một cô công chúa hiền hòa, nhân hậu, hiếu nghĩa, vẹn toàn, giàu lòng từ bi, dốc lòng xuất gia tu học để trả hiếu cho phụ mẫu, khai ngộ cho vua cha giác ngộ Phật pháp bởi ông là một vị vua vô cùng hung tàn. Trải qua bao gian nan thử thách, chúa Ba đã đắc quả trở thành Phật Bà Quan Âm:

“Tinh thông nghìn mắt nghìn tayCũng trong một điểm linh đài hóa raRằng trong cõi nước Nam taBể Nam có Đức Phật Bà Quan Âm”[5]

Chắc có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng biết đến truyện thơ Nôm “Quan Âm Thị Kính”. Truyện kể về Thị Kính cam chịu tiếng oan khắc nghiệt của miệng đời, nỗi oan mưu sát chồng là nhân duyên đưa Thị Kính đến con đường lý tưởng giải thoát, nỗi oan Thị Mầu giúp vun trồng hạnh tu nhẫn nhục, tô bồi đức hạnh thêm viên mãn, thành tựu Bồ Tát hạnh:

“Giữa trời một đóa tường vânĐức Thiên Tôn hiện toàn thân xuống trầnVần vần tỏ rạng tường loanTràng phan, bảo cái giao hoanTruyền cho nào tiểu Kỉnh TâmThi thăng làm Phật Quan Âm tức thì”[6]

Đại thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm truyện Kiều, cũng có những vần thơ ca ngợi hạnh nguyện từ bi của Ngài giúp chúng sinh vượt qua khổ đau chốn hồng trần:

“Cho hay giọt nước nhành dương,Lửa lòng rưới tắt mọi đường trần duyên”[7].

Trong tác phẩm, “Lục Vân Tiên”, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng đã khắc họa hình tượng Phật bà Quan Âm mách bảo trước để bà lão vứu Nguyệt Nga trong đêm tối mờ mịt sau khi bỏ trốn khỏi nhà của cha con Bùi Kiệm.

“Người ngay trời Phật cũng vưngLão bà chống gay trong rừng bước raHỏi rằng nàng phải Nguyệt NgaKhá tua gắng gượng về nhà cùng taKhi khuya nằm thấy Phật BàNgười đà mách bảo nên già đến đây…”[8]

Khi gặp hoạn nạn, người dân tin rằng hữu cầu ắt sẽ ứng, vì thế mọi người thường niệm danh hiệu Quan Thế Âm mong cầu bình an. Vì thế, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, một nhà thơ được biết đến như nhà thơ của chùa Hương đã có những vầng thơ sau:

“… Mẹ bảo đường còn lâuCứ vừa đi vừa cầuQuan Thế Âm Bồ TátLà tha hồ đi mau…”[9]

Lòng từ là một trong bốn vô lượng tâm, một công hạnh nhập thế của Bồ Tát và cũng là nơi trưởng dưỡng các pháp lành. đức Phật dạy trong Kinh Đại Niết Bàn như sau: “Này thiện nam tử, tất cả các Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, chư Phật, chỗ có căn lành, lòng từ là cội gốc. Nếu có người hỏi gì là căn bản của pháp lành nên đáp đó chính là tâm từ. Bởi tâm từ là đạo vô thượng, là cảnh giới vô song, chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật. Tâm từ là thường lạc ngã tịnh, là cam lồ, là Phật tính, là Pháp, là Tăng, tâm từ chính là Như Lai. Nếu Bồ Tát tu tập tâm từ có thể sinh vô lượng căn lành. Như vậy tâm từ là cội gốc”[10]. Chúng ta có thể hiểu rằng tâm từ là một phương diện cực kỳ thù thắng cho các bậc thượng nhân nhập thế độ sinh.

Quán Thế Âm xuất gia

III. Giá trị thiết thực của việc thực hành hạnh nguyện Bồ Tát

Noi theo hạnh nguyện lắng nghe thấu hiểu của Bồ Tát Quan Thế Âm, người con Phật hãy luôn tôn trọng biết lắng nghe lẫn nhau trong mối quan hệ giữa người với người, vì đó sẽ là chìa khóa chắp cánh cho sự thấu hiểu, là cánh cửa mở ra muôn vạn sự thành công trên đường đời. Thế giới hiện nay đang phải đối diện với nhiều thiên tai, dịch bệnh tràn lan, khủng hoảng kinh tế, đạo đức và cả niềm tin. Để chuyển hóa được những điều này không ngoài gì hơn chúng ta phải noi gương Bồ Tát Quan Âm học tập và thực hành lòng từ bi, ban trải tâm từ và lòng vị tha, xây dựng cảnh Tịnh độ nơi cõi Ta Bà, hóa giải mọi oan khiên, nghiệp chướng.

Bởi lẽ tâm từ chính là pháp lành, là tình thương lợi lạc cho tất cả chúng sinh muôn loài “biến khắp một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không sân, không nhuế, không não hại, quảng đại, vô biên”[11]. Tình thương này là tình thương yêu ban trải khắp muôn loài, không phải là tình cảm luyến ái của thế gian: “Này các Tỳ kheo, chính là ái này đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái”[12].

Hành giả thực hành ban trải lòng từ được 11 điều lợi ích sau:

1/ Ngủ nghỉ được an lạc;2/ Thức dậy an vui;3/ Không gặp các ác mộng;4/ Được mọi người quý kính;5/ Được phi nhân tôn kính;6/ Được chư thiên che chở;7/ Không bị các nạn lửa, thuốc độc, binh đao tổn hại;8/ Tâm dễ an định;9/ Sắc thân tốt đẹp vẹn toàn;10/ Mạng chung sáng suốt;11/ Sinh lên cõi Phạm thiên (nếu chưa chứng A-la-hán).

Tóm lại, chúng ta cần thực tập lòng từ, luôn lắng nghe thấu hiểu, tu hạnh nhẫn nhục Ba la mật chuyển hóa sân hận, thanh tịnh thân tâm, để vơi bớt những sầu khổ, tìm lại bến bờ an lạc trong đời sống tự thân, hướng đến xây dựng một gia đình hạnh phúc và một xã hội yên bình phát triển. Là một tu sĩ trẻ chúng ta hãy ban trải tình thương đối với chúng sinh, tích cực tham gia vào sự hoằng dương đạo pháp: “Hãy ra đi, các Tỳ kheo đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại sự hạnh phúc cho nhiều người. Mỗi người hãy đi một ngả. Này các Tỳ kheo! Hãy hoằng dương chính pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo cả hai tinh thần và văn tự”[13]

Tác giả: Thích Nữ Quảng HiếuNi viện Diệu Nhân, Phú An, Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng

***

CHÚ THÍCH

[1] G.P Malalasekera, O.B.E, The Encyclopardia of Buddhism, Ceylon, 1971, tập III, p.224.[2] Mircea Eliade, The Encyclopardia of Religion, Collier Macmillan Publishers, New York, 1987, tập II, p.265.[3] HT.Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ, Tập I, Phẩm Rắn Uragavagga, NXB. Tôn Giáo 2018, p.358[4] Nguyễn Minh Tiến (dịch chú), Kinh Bi Hoa, NXB. Tôn Giáo Hà Nội 2007, p.338.[5] Sự tích Quan Âm Nam Hải diễn ca, NXB Khoa học xã hội, 1996[6] Thiều Chửu, giải thích truyện Quan Âm Thị Kính, NXB Đà Nẵng , 2002, p.95.[7] Nguyễn Du, Truyện Kiều, Sài Gòn xuất bản, 1973, p.1931-1932.[8] Nguyễn Đình Chiểu, Truyện Lục Vân Tiên, Sài Gòn xuất bản, 1973, p.1651[9] Thi ca Việt Nam hiện đại, Khai Trí xuất bản, 1968, p.238[10] Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Đại Niết Bàn Tập II, NXB.TP.HCM 2000, p.159.[11] ĐTKVN, Kinh Trung A-hàm, tập 1, phẩm Nghiệp tương ưng, kinh Ba-la-lao, VNCPHVN, 1992, tr.218.[12] ĐTKVNNT, Kinh Tương ưng bộ, tập 5: Đại phẩm, chương Tương ưng sự thật, phẩm Chuyển Pháp luân, kinh Như Lai thuyết, Nxb. Tôn giáo, 2018, tr.783.[13] HT. Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh Tập I, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam 1996, p. 126

THƯ MỤC THAM KHẢO1. G.P Malalasekera, O.B.E, The Encyclopardia of Buddhism, Ceylon, 1971, tập III, p.224.2. Mircea Eliade, The Encyclopardia of Religion, Collier Macmillan Publishers, New York, 1987, tập II, p.265.3. HT.Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ, Tập I, Phẩm Rắn Uragavagga, NXB. Tôn Giáo 2018, p.3584. Nguyễn Minh Tiến (dịch chú), Kinh Bi Hoa, NXB. Tôn Giáo Hà Nội 2007, p.338.5. Sự tích Quan Âm Nam Hải diễn ca, NXB Khoa học xã hội, 19966. Thiều Chửu, giải thích truyện Quan Âm Thị Kính, NXB Đà Nẵng , 2002, p.95.7. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Sài Gòn xuất bản, 1973, p.1931-1932.8. Nguyễn Đình Chiểu, Truyện Lục Vân Tiên, Sài Gòn xuất bản, 1973, p.16519. Thi ca Việt Nam hiện đại, Khai Trí xuất bản, 1968, p.23810. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Đại Niết Bàn Tập II, NXB.TP.HCM 2000, p.159.11. ĐTKVN, Kinh Trung A-hàm, tập 1, phẩm Nghiệp tương ưng, kinh Ba-la-lao, VNCPHVN, 1992, tr.218.12. ĐTKVNNT, Kinh Tương ưng bộ, tập 5: Đại phẩm, chương Tương ưng sự thật, phẩm Chuyển Pháp luân, kinh Như Lai thuyết, Nxb. Tôn giáo, 2018, tr.783.

Tín ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm trong văn học và nghệ thuật

Ý nghĩa kỷ niệm ngày Bồ tát Quán Thế Âm Đản sinh

Triết lý Mạn Đà La trong Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Đại Bi Tâm Đà La Ni

You may also like