TƯỢNG CỔ QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT Ở BẢO TÀNG TỈNH HÀ TĨNH

bởi huynguyen
0 comment
4.1/5 - (7 bình chọn)

Mời các bạn xem danh sách tổng hợp đỉnh cao của tượng quan âm việt nam hay nhất được tổng hợp bởi chúng tôi

Phật giáo là một tôn giáo lớn của thế giới du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Đến thời Lý – Trần, đạo Phật cực thịnh, phát triển đến đỉnh cao và trở thành quốc giáo. Vùng đất Ngàn Hống có nhiều ngôi chùa được xây dựng, nổi tiếng đến nay như Hương Tích, Thiên Tượng, Long Đàm (trên dãy Hồng Lĩnh), Ân Quang (ở Phù Thạch), Chùa Rối (Cẩm Xuyên). Dưới thời Lê – Nguyễn, chùa chiền ở Hà Tĩnh hầu hết là chùa làng.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát

Chùa thì có tượng Phật, là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc dân gian hoặc nghề đúc đồng thủ công truyền thống. Hiện Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đang lưu giữ 4 tượng Phật, trong đó 3 pho bằng gỗ sưu tầm tại Chùa Cảm Sơn, hiện đã bị hư hỏng và 1 pho Quan Thế Âm Bồ Tát khá quý hiếm, niên đại bước đầu được xác định vào cuối Lê đầu Nguyễn. Trong lịch sử Phật giáo, Quan Thế Âm được xem là vị bồ tát có thần lực nhất. Quan Thế Âm Bồ Tát có nghĩa là luôn nhìn thấy, luôn nghe thấy mọi nỗi thống khổ của chúng sinh và sẵn sàng cứu giúp.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát do ông Nguyễn Văn Minh, cán bộ hưu trí xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh phát hiện ở dưới lòng đất tại địa điểm Chùa Mỹ Lu (nay đã trở thành phế tích), thuộc địa phận xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh khi làm thủy lợi vào khoảng năm 1977. Sau đó, tượng được đưa về bảo quản tại gia đình. Nhận thấy đây là một hiện vật có giá trị, ngày 22 tháng 5 năm 2001, ông đã chuyển nhượng cho Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.

Tượng cổ Quan Thế Âm Bồ Tát trong tình trạng tương đối nguyên vẹn, làm bằng chất liệu đồng, kỹ thuật chế tác thủ công, màu vàng đen, với số kí hiệu BTHT 1508/KL188. Tượng cao 22cm, đế rộng 15,5 cm, trọng lượng 4,25kg, bên trong rỗng, ngồi theo thế thiền, khoanh chân trên bệ sen được trang trí 15 cánh sen to, xen kẽ 15 cánh sen nhỏ, lật ngửa, đều nhau. Bàn chân trái ngửa lòng, thấy rõ 5 ngón chân, tay trái bắt quyết, ở giữa ngón tay trỏ và ngón cái có hòn ngọc, tay phải úp lại thấy rõ cả bàn tay. Phía trên ngực có hình chữ Vạn (卍) đắp nổi. Khuôn mặt tròn, hiền từ, mắt nhỏ khép hờ, mồm mím, đầu hơi hướng về phía trước, tóc xoăn ốc, tai to chảy dài. Thân mặc áo choàng tạo dải mềm mại, cổ áo choàng được trang trí những cách sen.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, là một hiện vật quý, được chế tác bởi bàn tay tài hoa của những người thợ đúc đồng dưới chế độ phong kiến, qua đó gửi gắm tình cảm, quan niệm về nhân sinh quan và thế giới quan Phật giáo của người xưa. Việc bảo quản cẩn thận hiện vật nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa do tiền nhân để lại./.

Tài liệu tham khảo:

1. Thái Kim Đỉnh (2017), Chùa cổ Hà Tĩnh, Nxb Đại học Vinh.

2. Thái Kim Đỉnh (1996), Địa chí huyện Kỳ Anh, Huyện ủy và UBND huyện Kỳ Anh.

3. Hồ sơ hiện vật tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.

You may also like